Category Archives: Tin tức

  • -

Bi kịch của Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai

Category : Tin tức

Sự sụp đổ của một đế chế đã từng là cánh cổng đưa người dùng tới World Wide Web bắt nguồn từ ngay những ngày tháng hoàng kim, khi không một nhân viên nào của Yahoo thực sự hiểu tên tuổi của họ gắn với lĩnh vực nào.

Bi kịch của Yahoo: Sống ở đời không biết mình là ai

Năm 2006, tại một khách sạn đặt tại San Jose, bang California nước Mỹ, Yahoo tổ chức một kỳ nghỉ hè dành riêng cho các lãnh đạo của công ty. Lúc này, Yahoo vẫn đang là một trong những “người khổng lồ Internet” và vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu khó khăn nào cả.

Trái lại, khi bước qua sinh nhật lần thứ 10, Yahoo vẫn đang ở trên đỉnh cao. Trong năm trước đó, “gã khổng lồ Internet” này đã đạt được 1,9 tỷ USD lợi nhuận trên 5,3 tỷ USD doanh thu. Những ngày khó khăn của cuộc khủng hoảng dot-com đã trôi xa và lúc này Yahoo đang tận hưởng vị thế thống trị trên một trong những lĩnh vực “hot” nhất thế giới để thu về những bản hợp đồng quảng cáo màu mỡ với những nhãn hàng nổi tiếng nhất thế giới.

Nhưng, trong một trò chơi được tổ chức tại khách sạn San Jose, các vị lãnh đạo của Yahoo đã được hỏi một câu hỏi thú vị: từ đầu tiên mà họ nghĩ tới khi nhắc tới tên của một công ty là gì? Những cái tên lớn nhất của ngành công nghiệp hi-tech được nhắc tới. eBay: đấu giá. Google: tìm kiếm. Intel: vi xử lý. Microsoft: Windows.

Vậy còn Yahoo?

Những câu trả lời rải rác khắp mọi nơi”, Brad Garlinghouse, người đã từng giữ vị trí phó chủ tịch của Yahoo và hiện đang là COO của startup chuyên về dịch vụ chi trả Ripple Labs khẳng định. “Một vài người nói ‘mail’. Một vài người nói ‘tin tức’. Những người khác nói ‘tìm kiếm'”.

Trong khi nhiều người vẫn khẳng định rằng đây là một trò chơi thú vị đã được Yahoo tổ chức lại nhiều lần, rõ ràng những câu trả lời không đồng nhất này là một dấu hiệu báo trước tương lai không mấy êm ả dành cho Yahoo.

Quả thật, quá trình trượt dài của Yahoo với đỉnh điểm là thương vụ “bán mình” cho nhà mạng Verizon với giá trị chỉ 4,5 tỷ USD vào tuần qua đã kéo dài trong vòng hơn 1 thập kỷ. Phần lớn các nhà quản lý cũ của Yahoo được Reuters phỏng vấn, những người hiện đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các công ty đặt tại Thung lũng Silicon, đều đồng ý rằng sự sụp đổ của Yahoo có khởi điểm là những lựa chọn sai lầm của các lãnh đạo “chóp bu” đưa ra khi gã khổng lồ này vẫn còn đang tận hưởng những ngày tháng hoàng kim từ giữa thập niên 2000.

Yahoo đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội to lớn. Năm 2002, gã khổng lồ Internet từ chối mua Google với giá “chỉ” 3 tỷ USD. Năm 2006, Yahoo tiếp tục bỏ lỡ cơ hội mua Facebook với giá cũng “chỉ” 1 tỷ USD. Những cơ hội thâu tóm YouTube và Skype lần lượt bị bỏ lỡ. Đau đớn nhất, năm 2008 Yahoo suýt nữa đã được Microsoft mua lại với giá 45 tỷ USD (tức là cao gấp 10 lần giá bán cho Verizon) trước khi thương vụ này bị chính bộ máy lãnh đạo của Yahoo vùi dập.

Yahoo Messenger, một sản phẩm từng được ưa thích tại Châu Á.

Những cơ hội bị bỏ lỡ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Yahoo sụp đổ. Theo nhiều nhà quản lý từng làm việc tại Yahoo, công ty tiên phong cho lĩnh vực Internet này đã quá tập trung vào mô hình quảng cáo truyền thống và cũng đã hoạt động theo cách quan liêu tới mức không thể theo kịp phần còn lại của thế giới hi-tech, vốn lúc nào cũng dịch chuyển như vũ bão.

Greg Cohn, người từng là giám đốc sản phẩm cao cấp của Yahoo và hiện là CEO tại công ty ứng dụng di động Burner cho biết: “Việc tìm được cả sự đồng thuận lẫn vốn đầu tư cho các dự án sản phẩm mới là cực kỳ khó khăn. Nếu bạn muốn tạo ra một sản phẩm mới và bộ phận quản lý trang chủ không muốn hỗ trợ sản phẩm này, bạn coi như đã thất bại“.

Thế rồi, đến khi Google thay thế Yahoo để trở thành bến đỗ đầu tiên của người dùng Internet – cánh cổng để họ bước chân sang các trang web khác, Yahoo vẫn không thể xác định được vai trò của mình trong thế giới công nghệ là gì.

Cho đến tận ngày hôm nay, Yahoo vẫn có hơn 1 tỷ người dùng và cũng đã liên tục chuyển hướng sang tập trung vào lĩnh vực di động dưới quyền điều hành của nữ CEO Marissa Mayer. Thế nhưng, 1 tỷ người dùng không thể giúp cho Yahoo vượt khó, và đến tuần vừa qua các mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo đã bị bán lại cho Verizon. Trong tương lai gần, gã khổng lồ Internet một thời sẽ tiếp tục hoạt động với vai trò công ty nắm cổ phần của Alibaba và Yahoo Japan, vốn là 2 món đầu tư có giá trị cao hơn rất nhiều so với mảng kinh doanh cốt lõi vừa bị bán cho Verizon.

Tấm thảm màu tím

Terry Semel.

Năm 2001, khi vừa kết thúc nhiệm kỳ đầy thành công tại studio phim Warner Bros, Terry Semel chính thức trở thành CEO của Yahoo. Sự kiện này có vẻ đã giúp Yahoo trở lời một câu hỏi từng khiến nhiều công ty Internet phải đau đầu: “Chúng ta là công ty công nghệ hay công ty truyền thông?”

Trong nhiều năm, định hướng tập trung vào mảng truyền thông đã tỏ ra đúng đắn khi các công ty quảng cáo truyền thống, vốn đang thèm muốn được tham gia lĩnh vực Internet mới mẻ, đổ xô tới mảnh đất Yahoo đầy màu mỡ. Doanh thu của Yahoo năm 2001 chỉ đạt mức 717 triệu USD. 6 năm sau, con số này tăng lên thành 7 tỷ USD.

Vốn là những người sành sỏi trên lĩnh vực truyền thông, CEO Semel cùng bộ sậu lãnh đạo của mình đã giúp cho một startup Internet nhỏ bé trở thành một tập đoàn khổng lồ, không chỉ hoạt động có lãi mà còn thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành quảng cáo truyền thống.

Từ góc nhìn của tôi, lúc đó chúng tôi là một công ty truyền thông“, cựu COO Dan Rosenweig của Yahoo trong thời gian từ 2002 tới 2007 và hiện là CEO của công ty giáo dục trực tuyến Chegg Inc. khẳng định. “Lúc đó không có vẻ gì là chúng tôi sẽ đánh bại Google trên lĩnh vực tìm kiếm… Không ai phủ nhận rằng chúng tôi không phải là trang chủ lớn nhất trên Internet”.

Trang chủ cũ, tài sản lớn nhất của Yahoo.

Nhưng đó không phải là vấn đề với Yahoo. Say mê trong cơn khát truyền thông, Yahoo mang màu tím đặc trưng của mình phủ sóng khắp đại bản doanh. Màu tím của Yahoo hiện diện trên lớp kem của những chiếc bánh, trên chiếc thảm đón khách và cả trong những ly cocktail.

Theo hồi tưởng của Wenda Harris Millard, giám đốc kinh doanh của Yahoo từ năm 2001 đến năm 2007 và hiện là COO của công ty phát triển doanh nghiệp MediaLink, “Khi Coca Cola tới thăm, chúng tôi trải chiếc thảm tím ra đón chào“.

Theo Millard, tất cả các công ty quảng cáo lớn, từ Coca Cola đến General Motors, đều muốn ghé thăm Yahoo ít nhất là một lần mỗi năm. “Lúc đó, mảng kinh doanh của chúng tôi với họ có trị giá hàng tỷ USD”, vị cựu giám đốc Yahoo khẳng định.

Cái bẫy trên đỉnh cao

Nhưng sự kiêu ngạo và những khoản doanh thu khổng lồ từ những bản hợp đồng quảng cáo màu mỡ đã trở thành cái bẫy khiến Yahoo vấp ngã. Cũng giống như ngành quảng cáo in ấn – những công ty từ chối thay đổi ngay cả khi ai cũng đã hiểu rằng lĩnh vực của họ đã chết, Yahoo đã không thể thoát ra khỏi tư tưởng “quảng cáo truyền thông” trong khi đó rõ ràng không phải là chìa khóa nắm giữ tương lai.

Theo Paul Graham, nhà đồng sáng lập của công ty đầu tư công nghệ Y-Combinator và cũng là đối tác của Yahoo trong một thương vụ mua lại startup: “Hậu quả lớn nhất của định hướng truyền thông là ở chỗ họ không coi trong vấn đề lập trình. Microsoft, Google và Facebook đều xây dựng văn hóa tập đoàn theo kiểu hacker. Nhưng Yahoo chỉ coi lập trình là một thứ tầm thường“.

Yahoo Groups.

Càng ngày, hậu quả của định hướng sai lầm này càng rõ ràng. Năm 2003, Yahoo mua lại Overture, một công ty đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ra công nghệ quảng cáo đã giúp cho Google trở nên giàu có như hiện nay. Ấy vậy nhưng Yahoo chẳng bao giờ tạo ra được một nền tảng quảng cáo nào có thể thực sự cạnh tranh với AdWords và AdSense của Google cả.

Tiếp đến, Panama, nỗ lực đắt đỏ nhằm tái xây dựng mảng tìm kiếm và quảng cáo của Yahoo cũng đã kết thúc trong thất bại.

Bi thảm hơn, những sản phẩm đi đầu thị trường như Yahoo Mail hoặc những nỗ lực mạng xã hội đầu tiên như Yahoo Groups đều không được đầu tư đúng mực do các nhà điều hành còn mải mê tranh cãi xem sản phẩm nào sẽ được đặt lên trang chủ “cao giá” của Yahoo. Theo 3 nhà lãnh đạo cũ, các thương vụ sáp nhập đầy tiềm năng như trang chia sẻ ảnh Flickr hoặc dịch vụ chia sẻ địa điểm Delicious đều lụi tàn sau khi về tay Yahoo.

Nhân viên cũ của Yahoo khẳng định họ phải ngập chìm trong vô số những buổi họp nội bộ vô nghĩa. Mục tiêu của Yahoo liên tục thay đổi. Theo lời kể của cựu giám đốc sản phẩm cao cấp Greg Cohn, nỗ lực biến Yahoo thành một nền tảng mở cho các ứng dụng của bên thứ ba – tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt, ví dụ như dung lượng – đã bị các nhà quản lý phụ trách sản phẩm nội bộ của Yahoo dập tắt.

Cuối cùng, tiền vốn của Yahoo bị rải mỏng ra quá nhiều các nỗ lực nửa vời không mang lại kết quả tích cực nào cả.

Nhà dột từ nóc

Nhà đồng sáng lập Jerry Yang.

Năm 2007, tình cảnh khó khăn của Yahoo trở nên rõ ràng: các sản phẩm của “người hùng Internet” một thời ngày một thất thế trong khi Google củng cố vị thế thống trị của mình trên mảng tìm kiếm và các tên tuổi mới nổi nhưng hùng mạnh như Facebook khiến cho ánh hào quang của Yahoo ngày một lụi tàn. CEO Semel từ nhiệm để nhường lại ghế nóng cho nhà đồng sáng lập của Yahoo, Jerry Yang.

Những kế hoạch hồi phục của Yang dành cho Yahoo đã nhanh chóng đổ bể vì một sự kiện quan trọng: đầu năm 2008, Microsoft ngỏ ý mua lại Yahoo với giá 45 tỷ USD. Khoản tiền hấp dẫn này đã khiến cho Yahoo bị chia cắt làm hai nửa đối nghịch nhau. Ngay cả khi Microsoft đã rút lại đề nghị, sự chia cắt trong nội bộ Yahoo vẫn không được hàn gắn.

Chỉ trong vòng vài tháng, Jerry Yang lại từ bỏ Yahoo. Nội bộ công ty rối loạn khi 3 vị CEO lần lượt lên nắm quyền rồi từ nhiệm trong khoảng thời gian từ 2008 tới 2014. Khủng hoảng lãnh đạo khiến cho hội đồng quản trị, các nhà quản lý cũng như toàn bộ các nhân viên của Yahoo không thể tìm được một mục đích chung, một quyết tâm chung.

Khi Marissa Mayer lên nắm quyền, Yahoo đã bị Thung lũng Silicon coi là tàn dư từ một thời đại khác. Công ty lúc này vẫn còn một lượng tiền mặt lớn những lại chẳng có vũ khí nào để chống lại các đối thủ cạnh tranh. Theo nhiều nhà phân tích thị trường cũng như các cổ đông của Yahoo, Mayer đã khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với những thương vụ sáp nhập và các lựa chọn tuyển dụng thất bại.

Yahoo, “mồ chôn” của startup và unicorn.

Khi công bố thương vụ Verizon, Marissa Mayer vẫn tỏ ra tự tin và khẳng định rằng thương vụ này sẽ giúp cho Yahoo có thể tiếp tục bám đuổi các đối thủ cạnh tranh trên các lĩnh vực di động, quảng cáo và tìm kiếm. Thế nhưng, trong thế giới công nghệ gần như không có bất kỳ một ông lớn nào có thể đứng dậy sau khi ngã, ai cũng hiểu rằng tuyên bố của nữ CEO này chỉ là sự hoang tưởng cuối cùng của một gã khổng lồ hơn 10 năm trời không biết mình là ai.

Theo Trí Thức Trẻ/GenK


  • 345

Vì sao thương hiệu Việt Nam dễ trôi xa?

Category : Tin tức

Một vài lý do khiến các doanh nghiệp biến mất theo thời gian.

Ai cũng biết khoảng 70% doanh nghiệp trên toàn thế giới khó lòng cầm cự được trên ba năm đầu tiên, và khoảng 80% trên năm năm. Nguyên nhân thì nhiều:

– Vì sự khắc nghiệt của thị trường luôn cạnh tranh ác liệt, và ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh. Đối thủ chẳng bao giờ ngủ.

– Vì tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ có thể làm triệt tiêu cả một ngành hoặc nhiều ngành, cả một hoặc nhiều nghề. Bởi bí quyết công nghệ có thể bị phủ định.

– Vì những rủi ro không lường trước được, không vượt qua được. Vì sự xui xẻo nói chung.

– Vì không nắm bắt và giữ được thời cơ mới.

Nhìn lại Việt Nam, sẽ còn những lý do gì khiến các doanh nghiệp biến mất theo thời gian?

Trong thời gian qua, đã có quá nhiều thương hiệu dần trôi xa rồi mất tiêu luôn. Còn nhớ kem đánh răng Hynos “Bảy chà da đen”, kem Perlon, kem Dạ Lan một thời từng bao mọi bảng hiệu ở chợ Bến Thành và khắp các tỉnh thành, hay những cái tên quen thuộc như dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, xà bông Cô Ba, lụa Mỹ A Tân Châu, xì dầu (nước tương) Con Mèo, thảm len Hàng Kênh, phích nước Rạng Đông, kẹo Hải Hà…

Mấy năm gần đây, hàng loạt thương vụ mua bán chuyển nhượng và sáp nhập (M&A) đã cuốn đi một số cái tên không đáng để cuốn đi một chút nào. M&A không có nghĩa là sự thất bại, mà thường là sự lột xác để lớn lên, sự kết hợp để mạnh hơn lên vì bản chất của M&A là sự kế thừa chọn lọc một cách vững chãi, bằng nguồn lực tài chính và quản trị, bằng sự khôn ngoan và tầm nhìn xa, bằng sự thông minh và cảm xúc doanh nghiệp lành mạnh.

Nghĩ đến sự thịnh suy của doanh nghiệp trong bối cảnh ở Việt Nam, xin được chia sẻ một số suy nghĩ.

Đầu tiên là ý thức xây dựng truyền thống cho doanh nghiệp của các ông chủ. Đó là sống với tâm thế hãy yêu như ngày mai sẽ chết, và hãy làm việc như sống muôn năm.

Doanh nghiệp được lập ra bởi con người, cho dù khởi nguồn là phát minh, là máy công cụ, cơ khí, cơ điện tử, bán dẫn và linh kiện, vật liệu mới, hay phần mềm hoặc đủ mọi loại công nghệ hiện đại, dịch vụ hoàn hảo hơn, thì liệu người sáng lập có nghĩ đến một truyền thống lâu dài cho công ty của mình không? Hay thương hiệu của họ được xây dựng nửa vời, tạm bợ, như một công cụ sử dụng tạm thời, chỉ là cần câu cơm mà thôi? Các chủ doanh nghiệp có nghĩ rằng việc tạo ra nhiều công ăn việc làm là một trách nhiệm xã hội rất nhân bản, như xây hàng trăm ngôi chùa và nhà thờ vậy.

Sự khác biệt này trong suy nghĩ chính là sự phân biệt giữa giấc mộng lớn và giấc mộng con, bởi tinh thần doanh nghiệp luôn bao gồm những ước mơ đầy tính nghiêm túc và trách nhiệm.

Có nghĩ đến truyền thống, có mơ đến lễ kỷ niệm 100 năm thành lập công ty dù nhà sáng lập không còn sống trên đời và đến chung vui nữa, thì doanh nghiệp sẽ không chấp nhận sự tụt hậu, cái chết tức tưởi, sự đầu hàng số phận, sự nản lòng và cả những vấp váp vì vội vã hay kiêu ngạo.

Thay vì kiêu ngạo, nhà doanh nghiệp nên chuyển nó thành tham vọng lành mạnh. Tham tiền, tham lợi nhuận là cái tham bình thường rất con người, nhưng cũng chỉ là cái tham thứ cấp. Nên tham cải tiến sản phẩm và dịch vụ, tham hoàn thiện bộ máy và cách quản trị, tham mở rộng thị trường một cách bền vững và nâng cấp thị phần, tham được khách hàng yêu mến và luôn nghĩ đến thương hiệu của mình.

Thương hiệu là gì? Phải chăng là những cái mà người tiêu dùng nghĩ đến đầu tiên, khi họ cần mua một thứ gì đó? Như trang đầu tiên hiện ra khi truy cập Google vậy. Nó ăn sâu vào tâm trí nhờ những ấn tượng tốt về chất lượng và sự an toàn, cao hơn nữa là tính biểu tượng đẳng cấp. Đúng vậy! Họ chỉ nghĩ đến thương hiệu của những công ty uy tín và có mặt hàng hay dịch vụ vừa với túi tiền của họ, hoặc cần thiết và xứng đáng được họ vay tiền mua về.

Điều thứ hai là tâm thế của doanh nghiệp đối với khách hàng.

Mọi doanh nghiệp trên thế giới, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, chỉ làm ra được một thứ mà thôi, một thứ mà nếu không có nó doanh nghiệp không còn tồn tại được nữa. Đó chính là khách hàng.

Hiểu được nhu cầu của khách hàng và đáp ứng nhu cầu đó một cách nghệ thuật nhất, tiện lợi nhất, phù hợp với sở thích và túi tiền một cách chuyên nghiệp.

Đi trước khách hàng vài chục năm, và đi trước đối thủ ít nhất một bước. Tâm thế đó ẩn chứa tinh thần tiên phong và tinh thần phục vụ. Khi bạn rót bia cho khách mà nghĩ rằng mình đang “hầu” người ta, thì bạn khó có thể sống chết và giàu sang với nghề kinh doanh nhà hàng. Tâm thế phục vụ để bán những giờ hạnh phúc cho khách hàng và được thưởng công bằng lương cộng với sự hài lòng là một tâm thế cần có.

Một số doanh nhân rất thành đạt. Họ giỏi giang và thông minh thật sự. Nhưng khi đã có trong tay vài chục triệu đô la Mỹ, dù chẳng thấm vào đâu so với Bill Gates, Carlos Slim Helu,Warren Buffett…, các doanh nhân đã tự cho mình quyền “truyền ngôi” hoặc “rửa tay gác kiếm” để rong chơi ở các sân golf, ở những nhà hàng sang trọng, những khu nghỉ dưỡng mà muốn rượu champagne chảy thành suối cũng sẽ có ngay. Một số doanh nhân còn trang điểm cuộc đời bằng hoạt động từ thiện một cách thật lòng chứ không phải khoa trương, quảng bá. Họ có sự thanh thản trong tâm hồn là đã sống rất ý nghĩa, biết cách hưởng thụ, nhận và cho. Thật lòng tôi thấy đó là điều rất đáng quý trên đời này. Tuy nhiên, sứ mệnh doanh nghiệp cũng mang tính nhân văn rất lớn, vì làm ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, là nội hàm từ thiện cực kỳ vĩ đại để chống lại nghèo đói.

Nếu là người hảo hán đầy chí trượng phu, bạn có nuôi được 5.000 kẻ sĩ luôn ở trong nhà mình như một mạnh thường quân không? Nếu là người giàu nhân ái, bạn có làm được nhiều hơn những người không hề rủng rỉnh bạc vàng như Thánh Gandhi hay Thánh Teresa. Hay như ông Sabin chế ra thuốc ngừa bại liệt ở trẻ em và từ chối nhận hàng trăm triệu đô la Mỹ của các hãng dược phẩm muốn mua sự độc quyền sản xuất, và tuyên bố rằng mọi trẻ em trên thế giới đều cần một giọt thuốc này, công thức được công bố để mọi chính phủ đều có thể tự sản xuất cho nhân dân.

Doanh nhân có thể rất vĩ đại, nhưng thật ra cũng rất nhỏ bé. Rockefeller từng bị chỉ trích tơi tả lúc còn sống khi ông đã mua một cách nhẹ nhàng tòa nhà Empire State cao nhất thế giới thời bấy giờ, đến khi qua đời ông mới nhận được sự ca ngợi hết lời khi để lại một gia tài vĩ đại để làm từ thiện. Sự tuyệt vời đó vẫn có thể đạt được nơi các doanh nhân Việt Nam. Một số việc làm dành cho người khuyết tật, tại sao không?

Điều thứ ba cũng nên được nhắc đến ở đây vì các nước tiên tiến về hình thái tổ chức xã hội đã vượt qua bối cảnh đó rồi, nhưng nước ta thì vẫn còn vướng ít nhiều. Thể chế không chỉ đề ra chính sách thuế khóa, cách áp mã hàng hải quan, chính sách tài chính – tiền tệ, và luật pháp nói chung. Thể chế vạch ra con đường giáo dục những thế hệ thông minh hơn, hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, chính trực hơn và nhân hậu hơn. Thể chế lập ra những bậc thang giá trị và định hướng ngành nghề, quan điểm xã hội, tổ chức đời sống kinh tế. Thể chế tốt và phù hợp thì mới loại bỏ được các “nhóm lợi ích”, các triều đình xưa nay thâu tóm của cải trong thiên hạ, thâu tóm đất đai để ban phát và thu thuế (mà trang sử của nước nào cũng đã trải qua).

Thế giới ngày nay đã có những cấu trúc mới, trật tự mới, nguyên tắc mới và triết lý hội nhập mới. Cả thế giới hướng về khuynh hướng dân chủ, cả trong lãnh vực kinh tế – xã hội và tái phân phối thu nhập. Tuy chưa thể toàn hảo, nhưng những đặc điểm mới đã chi phối toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nuôi dưỡng được thương hiệu của mình trong không gian “đất lành, chim đậu”.

Tên tuổi doanh nghiệp cần được nhận thức bổ sung với ba chiều quy chiếu nói trên.
Thiết nghĩ các doanh nhân sẽ phải nghĩ đến nhiều hơn về truyền thống của doanh nghiệp và rộng hơn là của ngành nghề và nền kinh tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập này với tâm thế kinh bang tế thế thay vì sớm bỏ cuộc và thoái thác thiên chức doanh nhân luôn tiên phong, bản lĩnh và sáng tạo. Mặt khác, về phía Nhà nước, hãy là một bà đỡ thật giỏi cho những doanh nghiệp tử tế.

Thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam sẽ không trôi xa nếu có những cái neo giữ được thuyền qua bao cơn sóng gió bão bùng.

Nguyễn Thanh Lâm (TBKTSG)

 .


  • 54

Huyền thoại doanh nhân Nhật đã hồi sinh Japan Airlines như thế nào?

Category : Tin tức

Khi Kazuo Inamori nhận trách nhiệm vực dậy hãng hàng không Japan Airlines vào năm 2010, ông chẳng có chút kinh nghiệm nào về ngành này.

Huyền thoại doanh nhân Nhật đã hồi sinh Japan Airlines như thế nào?

Thế nhưng cũng giống như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhật lâu năm khác, ông biết về Japan Airlines từ góc độ của một hành khách sử dụng dịch vụ của hãng từ thập niên 1950. Kết hợp với kinh nghiệm quản lý của mình, ông đã làm hồi sinh tập đoàn hàng không được coi như bộ mặt của nước Nhật này.

Trước năm 2010, Japan Airlines đã thua lỗ triền miên suốt 1 thập kỷ. Chính phủ Nhật đã phải nhiều lần tung tiền để cứu tập đoàn nhưng vẫn không ngăn được tình trạng kinh doanh sa sút.

Khi đã cảm thấy quá mệt mỏi, Bộ trưởng Giao thông Nhật đã bổ nhiệm Kazuo Inamori, người được coi như “huyền thoại sống” của giới chủ doanh nghiệp Nhật, sáng lập công ty điện tử Kyocera và tập đoàn viễn thông KDDI vào vị trí này.

Quyết định này thực ra khá ép buộc với Kazuo Inamori bởi trước đó ông đã nhiều lần từ chối với lý do ông đã gần 80 tuổi và không hiểu gì về ngành hàng không.

Những gì mà ông Kazuo Inamori làm được sau đó đã cho thấy Bộ trưởng Giao thông Nhật không chọn nhầm người.

Chỉ 2 năm 8 tháng sau khi nộp đơn xin phá sản, Japan Airlines lại niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Công việc kinh doanh của hãng đã hồi phục theo đúng hình chữ V và nay là một trong những hãng hàng không hàng đầu châu Á.

Để làm được điều này, Kazuo Inamori đã thực sự thay đổi được tận gốc rễ cách suy nghĩ của nhân viên Japan Airlines về làm dịch vụ. Vậy ông đã làm điều đó như thế nào?

Trong ký ức của Kazuo Inamori vẫn còn nguyên kỷ niệm của những ngày đầu mới về làm việc tại Japan Airlines. Ông kể lại: “Khi nước Nhật giàu hơn, người Nhật có cuộc sống sung sướng hơn thì người ta dường như quên mất việc tự đặt câu hỏi tại sao họ phải làm việc và việc họ làm có lợi cho ai?.”

Để giúp nhân viên Japan Airlines hiểu tại sao họ cần phải thay đổi, ông đã tổ chức nhiều buổi họp. Bằng một cách nói chuyện rất gần gũi và nhẹ nhàng ông giải thích cặn kẽ, sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau để nói cho nhân viên hiểu vì lý do nào mà Japan Airlines đã phá sản và cần phải thay đổi như thế nào.

Ở giai đoạn đầu, các chương trình đổi mới của Kazuo Inamori đã vấp phải rất nhiều sự kháng cự, nhiều nhân viên JAL gọi đó là hành vi “tẩy não”. Thế nhưng thực tế hoạt động kinh doanh tại JAL đã cho thấy triết lý kinh doanh của Kazuo Inamori là đúng đắn.

Những triết lý đơn giản như nên biết nghĩ từ góc độ khách hàng, cố gắng tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà quản lý và nhân viên có thể tìm thấy ở bất kỳ công ty nào, nhưng áp dụng nó được đến đâu thì lại phải tùy thuộc vào việc mỗi nhân viên cảm thấy phải thay đổi.

5 biện pháp để hồi sinh Japan Airlines

Ngay khi mới về, lập tức ông nghiên cứu rất kỹ về ngành hàng không và đưa ra kế hoạch cắt giảm chi phí và cải tổ mạnh mẽ. Đầu tiên, ông sa thải 16 nghìn nhân công, giảm 30% lương và cắt giảm mạnh tay nhiều đường bay không hiệu quả.

Thứ hai, đối với những nhân viên còn ở lại, ông giúp họ hiểu “sứ mệnh” và trách nhiệm của JAL đối với nước Nhật. Đồng thời ông cũng đưa ra một đảm bảo chắc chắn về công việc làm dài hạn để họ có thể yên tâm làm việc.

Thứ ba, ông cải thiện mạnh chương trình phúc lợi cho nhân viên với quan điểm: con người quan trọng hơn của cải. Việc biết tôn trọng con người sẽ giúp mang lại lợi ích cho công ty trong dài hạn.

Ngoài ra, ông yêu cầu tất cả các nhân viên phải đi học khóa kỹ năng lãnh đạo. Bằng cách này ông giúp cho họ có cái nhìn của nhà quản lý, hiểu và thông cảm cho lãnh đạo hơn.

Cuối cùng, ông áp dụng hệ thống quản lý Amoeba, theo đó từng bộ phận phải công bố chi tiết doanh thu và lợi nhuận của họ. Hệ thống này từng được ông áp dụng tại tập đoàn Kyocera của chính mình.

Lý do của việc sát sao với từng bộ phận nhỏ như trên, theo lý giải của Kazuo Inamori, chính là bởi khi mới về nhận việc, ông nhận thấy các báo cáo tài chính của tập đoàn rất thiếu cập nhật và không chính xác. Quy định quản lý mới giúp tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh và mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm rất cao cho công việc của mình.

Nhờ những nỗ lực của Kazuo Inamori, chỉ ngay trong năm đầu tiên sau khi ông đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại JAL, hãng đã có lãi 188,4 tỷ yên, và từ đó đến nay liên tục lãi cao. Đến năm 2012, JAL chính thức đánh dấu sự trở lại thời hoàng kim bằng việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Tokyo.

Ngọc Thúy

Theo Trí Thức Trẻ

.


  • 3

10 Sai lầm là không thể tránh khỏi với những nhà khởi nghiệp

Category : Tin tức

Sai lầm là không thể tránh khỏi, nhất là đối với những nhà khởi nghiệp khi bắt tay vào dự án của mình. Cái ta muốn tránh chính là mắc phải quá nhiều sai lầm dẫn đến thất bại một cách không đáng có. Và để hạn chế mắc phải những sai lầm không đáng có đó, trước hết bạn phải biết chúng là gì, và cách giải quyết chúng ra sao? Sau đây sẽ là 10 sai lầm liên quan đến pháp luật mà startup và các nhà khởi nghiệp hay mắc phải:

a2

Các thành viên sáng lập phải thỏa thuận một cách rõ ràng với nhau ngay từ những giai đoạn đầu tiên của dự án. Việc không thỏa thuận hay thỏa thuận không rõ ràng sẽ dẫn đến những rắc rối, rủi ro trong tương lai, ví dụ nổi tiếng nhất chính là bất đồng giữa Winklevoss và Zuckerberg của Facebook.

Hãy tưởng tượng thỏa thuận giữa các thành viên sáng lập sẽ như là một hợp đồng hôn nhân, đây là hợp đồng phân rõ trách nhiệm và lợi ích của các bên trước khi tiến vào hôn nhân, để đảm bảo một cuộc hôn nhân hạnh phúc không có đổ vỡ. Sau đây là những nội dung chính mà thỏa thuận này bắt buộc phải có:

– Cổ phần sở hữu của từng thành viên sáng lập

– Nhiệm vụ, trách nhiệm, và đóng góp của từng thành viên

– Cách thức xử lý cổ phần và vấn đề khác khi một thành viên sáng lập rời đi hay bị loại

– Mục tiêu và tầm nhìn của công ty hoặc dự án

….
a3

Đây là mô hình có tính năng giới hạn trách nhiệm và bảo vệ tài sản riêng tốt nhất cho các thành viên sáng lập. Ngoài ra, cách thức, thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn tại Việt Nam cũng không hề phức tạp.

a4

Hãy lưu nhớ: những tờ giấy ghi chữ “hợp đồng” chính là một trong những văn bản bạn sẽ nhìn thấy nhiều nhất khi bước vào hoạt động công ty hay mang nó ra ngoài thương trường. Những công ty thành công luôn biết và có sẵn những mẫu hợp đồng dành riêng cho công ty mình. Nếu chi phí trả cho luật sư riêng là quá đắt, thì các bạn cũng có thể sử dụng các nguồn hay dịch vụ trên mạng internet, ví dụ như hệ thống tạo hợp đồng miễn phí trực tuyến của Ezlaw sắp ra mắt.

a5

Để tránh rủi ro về kiện tụng, xung đột nội bộ hay có khi là mất mát trong tương lai, hãy nghiên cứu và tuân thủ luật Doanh nghiệp 2014 (sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm 2015) trước khi tiến hành chuyển nhượng cổ phần của công ty hay các thành viên cho một bên khác.

a6

Cũng như giữa các thành viên sáng lập với nhau, các nhân viên và công ty cũng cần phải có “hợp đồng hôn nhân”. Ví dụ như: hợp đồng lao động, thỏa thuận giữ bí mật, sổ tay quy tắc chung của công ty, mẫu đăng ký Bảo hiểm xã hội .v.v… Và cũng như cách giải quyết sai lầm số (3), nếu bạn không có đủ tiền trả cho một luật sư để làm riêng cho mình những giấy tờ, hợp đồng này, hãy dùng các hệ thống, nguồn từ internet.

a7

Nếu bạn đang phát triển một sản phẩm, công nghệ hay dịch vụ độc đáo, bạn cần phải thực sự quan tâm đến những thủ tục và phương thức để bảo vệ sản phẩm trí tuệ mà bạn đã phát triển. Không chỉ có những thành viên sáng lập, mà các nhà đầu tư cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này. Đừng quên rằng, tài sản trí tuệ của bạn chính là những thứ mà họ đang đầu tư. Dưới đây là những khái niệm tài sản trí tuệ mà bạn cần lưu tâm:

– Bằng sáng chế

– Bản quyền

– Thương hiệu, nhãn hiệu

– Tin tức bí mật, không được tiết lộ

….

Như bao doanh nghiệp khác, bạn phải đóng thuế. Nói chính xác hơn, bạn phải đóng nhiều loại thế khác nhau. Hãy tìm hiểu kỹ hoặc thuê những chuyên gia riêng trước khi đến hạn đóng thuế nếu bạn không muốn gặp rủi ro nộp phạt, hay đóng cửa công ty.

a8

Hãy tìm kiếm trên google và cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia khi quyết định đặt tên cho công ty của mình. Hãy tìm kiếm trên GoDaddy.com xem tên miền mà mình muốn dùng cho công ty đã bị lấy chưa . Ngoài ra, sau đây cũng là những lời khuyên của Ezlaw cho các bạn khi đang nghĩ đến việc đặt tên cho công ty của mình:

a9

– Đặt tên độc đáo nhưng dễ nhớ

– Hạn chế đặt tên dễ gây khó hiểu

– Hạn chế cố tình đặt tên sai chính tả

– Hỏi ý kiến khách hàng, người thân, nhân viên trước khi ra quyết định đặt tên cuối cùng

– Ngoài tiếng Việt, hãy nghĩ đến tên tiếng Anh cho công ty bạn

a10

Điều khoản sử dụng cho người sử dụng website của công ty để giới hạn trách nhiệm của công ty. Và, Chính sách bảo mật để thông báo trước cho người sử dụng cách quản lý và quyền hạn xử lý của bạn đối với thông tin họ cung cấp trên website.

a11

Đây thường không phải là sai lầm, mà thực sự là điểm yếu của startup và các nhà khởi nghiệp do vấn đề tài chính hạn hẹp. Hy vọng sắp tới, Ezlaw và các công cụ, dịch vụ trực tuyến sắp ra đời sẽ là giải pháp hoàn thiện cho điểm yếu và vấn đề này..


  • 272

Mệnh lệnh cuộc sống đòi hỏi tầm nhìn xuyên thế kỷ

Category : Tin tức

Cho dù bối cảnh xã hội, thời đại đã khác xa với 65 năm trước, nhưng những bài học của lịch sử cho chúng ta thấy giá trị của tinh thần tổ quốc, dân tộc là những giá trị vĩnh hằng; tập hợp, phát huy sức mạnh và tâm huyết được con dân nước Việt, chứ không phải là giá trị đảng phái và tầng lớp… sự kiện nóng

Sau khi đọc bài “Tôi mong lãnh đạo quốc gia có tầm nhìn Lý Quang Diệu”  tôi có đôi điều cảm nghĩ chia sẻ với bạn đọc củaTuần Việt Nam.

Trong quá khứ, người Việt chúng ta không thiếu những người có tầm nhìn như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Phan Chu Trinh và gần nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những tấm gương lưu danh muôn thủa trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Năm 1945, với bối cảnh cực kỳ khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta lúc đó đã đưa ra một quyết định mang tầm nhìn xuyên thế kỷ đó là “Độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho Dân cày”. Điều đó đã lôi cuốn và cổ võ được mọi tầng lớp trong xã hội, từ nông dân, công nhân, tri thức, nghệ sĩ… đi theo đó đứng dưới một lá cờ tổ quốc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã làm nên Cách mạng tháng 8 năm 1945 và chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động toàn cầu 1954 trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc.

Chúng ta có một xã hội dân chủ đầu tiên với bản Hiến pháp1946, mà theo giới nghiên cứu luật ngày nay, đó là bản Hiến pháp có tầm nhìn xuyên thế kỷ. Chúng ta có một Quốc hội và một Chính phủ đầu tiên với đầy đủ những gương mặt ưu tú nhất đại diện cho mọi giai tầng của đất nước.

Để đạt được điều đó, theo tôi nó chứa đựng trong mọi quyết định và hành động của những người lãnh đạo đất nước lúc đó là tinh thần tổ quốc, dân tộc Việt Nam. Những thành quả thần kỳ đó cho chúng ta một tấm gương phản chiếu và soi rọi cho thế hệ lãnh đạo đất nước hôm nay.

Vậy câu hỏi được đặt ra cho những nhà lãnh đạo hôm nay là gì?

Việc khai thác Vịnh Vân Phong cho thấy chúng ta thấy thiếu vắng một cơ chế mà ở đó tạo ra và thu hút các nguồn lực xã hội tối ưu tính hiệu quả lợi ích quốc gia đó là xã hội dân sự. Ảnh: simplevietnam.com

Cho dù bối cảnh xã hội, thời đại đã khác xa với 65 năm trước, nhưng những bài học của lịch sử cho chúng ta thấy giá trị của tinh thần tổ quốc, dân tộc là những giá trị vĩnh hằng; tập hợp, phát huy sức mạnh và tâm huyết được con dân nước Việt, chứ không phải là giá trị đảng phái và tầng lớp…

Như vậy tinh thần tổ quốc và dân tộc sẽ là giá trị tạo nên phẩm chất quan trọng nhất và khác biệt trong việc tìm kiếm người lãnh đạo hôm nay của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thế kỷ 21.

Năng lực của một con người lãnh đạo là hữu hạn, nhưng năng lực ấy trở thành vô hạn khi nó được chuyển thành năng lực của hơn 80 triệu người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước thành một khối thống nhất, với tinh thần xây dựng Việt Nam giàu mạnh, tự do và độc lập, được bảo đảm và thực thi mạnh trong xã hội chỉ có thể là tinh thần tổ quốc, lợi ích dân tộc.

Điều này chỉ thành hiện thực khi mà những tiền đề của một xã hội dân sự được thực thi mạnh trong thực tiễn đời sống và bước đi đầu tiên trong quá trình xây dựng đó là việc cần phải sửa đổi Hiến pháp 1992 để tạo tiền đề và cơ sở cho tiến trình hình thành một xã hội dân sự hoàn chỉnh.

Chẳng hạn, câu chuyện còn day dứt trong lòng người dân Việt Nam, khi mà sự đồng thuận của các giới chức và người dân cho thấy được nhận thức vai trò của Vịnh Vân Phong như một khởi đầu của cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong thế kỷ 21 bằng việc không cho xây dựng nhà máy thép.

Nhưng quá trình thực thi và phát triển nó cho xứng tầm với một hải cảng quốc tế, một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế niềm tự hào Việt Nam, lại đang đối mặt với việc biến nó thành cái ao làng, khi Vinalines  cho triển khai hệ thống cầu cảng không tương xứng của một hải cảng tầm quốc tế làm lãng phí tài nguyên và lợi thế quốc gia.

Điều này cho thấy chúng ta thấy thiếu vắng một cơ chế mà ở đó tạo ra và thu hút các nguồn lực xã hội tối ưu tính hiệu quả lợi ích quốc gia đó là xã hội dân sự.

Với tư cách là một công dân nước Việt, tôi muốn thấy trong nhiệm kỳ tới lãnh đạo Việt Nam sẽ dẫn dắt và xây dựng ở xã hội Việt Nam một xã hội dân sự. Nó sẽ là tiền đề vững chắc cho việc phát triển vị thế mạnh của Việt Nam trong thế kỷ 21.

 .


  • 54

Quản trị quốc gia nhìn từ điều hành của Vinashin

Category : Tin tức

Chúng ta hình dung năng lực quản trị và điều hành của các lãnh đạo Vinashin hiện nay như là khả năng bình thường của bé trai 10 tuổi ăn được 02 bát cơm nhưng được bố mẹ giao ăn 04 bát cơm. Đứa trẻ sẽ phản ứng điều gì? sự kiện nóng

Những sự kiện gần đây trong việc triển khai các dự án của tập đoàn Vinashin  như đóng tàu vận tải dầu, dự án đóng mới kho nổi chứa xuất dầu FSO-5  cho Petrovietnam, nợ đọng thuế, nợ phí lưu kho… cho chúng ta một cái nhìn thực nghiệm những gì đã, đang  và sẽ diễn ra về năng lực quản trị và điều hành trong các tập đoàn nhà nước hiện nay; là hồi chuông cảnh báo cần phải có một cơ chế mạnh giám sát hoạt động điều hành, cũng như công khai định kỳ hàng về năm tài chính và định hướng kinh doanh.

“Đã đến lúc Chủ tịch, TGĐ trong các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước
phải đưa ra cách thức và lí do thuyết phục trước khi ngồi vào vị trí ghế nóng này tại Tập đoàn”.
Ảnh: Vinashin

Việt Nam- quốc gia biển và làm giàu từ kinh tế biển là chủ trương có tầm nhìn thế kỷ đưa Việt Nam giàu mạnh trong thế kỷ 21 của Đảng và Nhà nước. Phát triển ngành công nghiệp đóng tàu là bước đi nối dài trong chiến lược ấy, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ trong việc điều hành với ưu tiên mọi nguồn lực cho phát triển ngành công nghiêp này bằng các hỗ trợ về cơ chế, mặt bằng đất đai nhanh và đảm bảo uy tín quốc gia bằng khoản vay tín dụng quốc tế 750 triệu USD cho Vinashin.

Tập đoàn Vinashin được thành lập trên cơ sở của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Việc thành lập thành Tập đoàn và hỗ trợ mọi nguồn lực quốc gia thể hiện quyết tâm của chính phủ biến Vinashin thành một Tập đoàn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Việc thay đổi mang tính chiến lược này đòi hỏi những người quản trị và điều hành tại tập đoàn phải là những Chủ tịch, Tổng giám đốc có kinh nghiệm và năng lực quản trị  điều hành trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Nhưng thực tiễn tại Vinashin không có một thay đổi nào ở tầng lớp lãnh đạo cấp cao so với trước đây chỉ đóng tàu vận tải sông, ven biển và phục vụ cho nhu cầu vận tải trong nội địa.

Khi thay đổi chiến lược kinh doanh thì đồng nghĩa với triển khai chiến lược về cơ cấu sản phẩm mới, thay đổi chính sách quản trị công ty gắn liền với nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức sản xuất sao cho thực hiện hợp lý hóa các nguồn lực của doanh nghiệp hiệu quả.

Nhìn vào cơ cấu danh mục sản phẩm và việc tổ chức sản xuất và quản trị điều hành của Vinashin ít thấy sự thay đổi so với trước đây khi chưa là Tập đoàn (tham khảo www.vinashin.com.vn ) tức là các công ty trực thuộc tập đoàn này sản xuất các sản phẩm đóng tàu giống nhau… cho thấy một sự lãng phí ghê gớm các nguồn lực do bị phân tán các nguồn lực trong việc đầu tư trang thiết bị, nguồn lực tài chính và con người trong việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ.

Một nguyên tắc mang tính khoa học trong quản trị các tập đoàn là phải tổ chức sản xuất kinh doanh sao cho mỗi công ty trong Tập đoàn Vinashin phải tham gia vào một hay một số công đoạn trong quá trình tạo ra sản phẩm dịch vụ mà Tập đoàn này cung cấp cho khách hàng; hoặc mỗi công ty trong Tập đoàn phải sản xuất ra một loại sản phẩm trong một phân khúc nào đó trong thị trường quốc tế nhằm tăng tính chuyên nghiệp trong các công đoạn sản xuất và cũng sử dụng hiệu quả các thiết bị máy móc thiết bị cũng như tránh được việc đầu tư thiết bị dàn trải và trùng lặp giữa các công ty con trong Tập đoàn.

Hình dung năng lực quản trị và điều hành của các lãnh đạo Vinashin hiện nay như là khả năng bình thường của bé trai 10 tuổi ăn được 02 bát cơm nhưng được bố mẹ giao ăn 04 bát cơm. Đứa trẻ sẽ phản ứng điều gì? Nếu đứa trẻ (các nhà quản trị) thông minh, trung thực sẽ từ chối không ăn thêm và nói rằng cần có thời gian để luyện tập cho cơ thể cường tráng hơn mới đủ khả năng; Hoặc đưa trẻ tham lam cố gắng ăn hết  thì sẽ có thể xảy ra: một là đứa trẻ ăn xong tức bụng quá không hoạt động được phải nằm thở, hai là đứa trẻ này phải đưa đi bệnh viện đưa vào khoa cấp cứu ngay; hoặc đứa trẻ lừa dối cha mẹ là vãi cơm cho gà ăn hộ; hoặc đổ bỏ đi.

Câu chuyện khả năng ăn cơm của đưa trẻ là minh chứng rõ ràng nhất cho trường hợp của Vinashin là Chính phủ giao cho một khoản tiền lớn 750 triệu USD, những lãnh đạo nơi đây đã không biết phải làm gì với số tiền lớn như trên để phát triển năng lực cốt lõi của ngành công nghiệp đóng tầu cho đúng với vị thế, tiềm năng và kỳ vọng của Nhà nước bằng việc đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực khác như đầu tư sân golf, khách sạn, cổ phiếu Bảo Việt năm 2007 là 1.467 tỷ đồng (hơn 90 triệu USD), mua tàu du lịch năm 2007 với giá 60 triệu euro (khoảng 1.300 tỉ đồng thời điểm đó)…

Nếu hạch toán thì việc lỗ trong đầu tư của Vinashin trong thương vụ Bảo Việt khoảng hơn 700 tỷ (thời điểm chuyển giao cho SCIC ngày 7 tháng 7 năm 2009, Tàu Hoa Sen thì đắp ụ, trong khi Hải quân Việt Nam rất cần những khoản tiền đó để hiện đại hóa quân đội nhằm đối phó với những đe dọa trên Biển Đông thì kinh phí lại hạn hẹp hoặc số tiền đó sẽ làm được nhiều việc lớn giúp bà con ngư dân ra biển là 2 bằng cớ trong rất nhiều các hoạt động vãi cơm cho gà, hoặc đổ đi của Tập đoàn này.

Ông Lê Lộc – Tổng giám đốc đầu tư Vinashin trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ  làm nhiều người lo ngại bởi ông ấy nói là tin tưởng trả nợ được nhưng ông không chỉ cho người dân Việt Nam những lí do mà ông tin Vinashin sẽ trả nợ được… Và cách trả lời điển hình này sẽ tiếp tục diễn ra nếu Chính phủ không can thiệp mạnh vào hoạt động quản trị yếu kém đang diễn ra tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Đã đến lúc Chủ tịch, Tổng giám đốc trong các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải đưa ra cách thức và lí do thuyết phục trước cơ quan chức năng, các cơ quan giám sát nhà nước mà họ đưa công ty đến thành công như: chiến lược công ty, cơ cấu phát triển sản phẩm mới, chiến lược marketing, thương hiệu, quản trị cắt giảm chi phí .vv.. trước khi ngồi vào vị trí ghế nóng này tại Tập đoàn. Nếu không, mọi lỗ lực của nhà nước giành cho họ quá nhiều tiền thuế của dân, các nguồn lực tài nguyên là một sự mạo hiểm rất lớn khi mà những lãnh đạo này không đưa ra được những luận cứ vững chắc mang lại sự thịnh vượng cho công ty khi mà nơi đây cơ chế giám sát quản trị điều hành vẫn còn là một khoảng trống.

 .


  • 1

Phim “Trăng non” và ngành ICT Việt Nam

Category : Tin tức

Nhìn từ câu chuyện thành công của phim “Trăng non”, chuyên gia tư vấn quản trị Phùng Hoàng Cơ bàn về sự phát triển của ngành công nghệ Việt Nam. sự kiện nóng

Phim “Trăng non” đã gây ra một cú sốc cho những người làm kinh doanh nói chung và ngành nội dung số nói riêng, với chi phí vỏn vẹn 50 triệu USD nhưng chỉ cần 3 ngày công chiếu kể từ 20/11 nó đã mang về 258,8 triệu USD doanh thu trên toàn cầu và mang về khoản lợi nhuận trên 400%. Điều này cho thấy, chúng ta cần phải tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chiếm hàm lượng tri thức cao và chiến lược marketing bài bản. Đó sẽ là vô đối về doanh số và lợi nhuận cho dù ở bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào.

Hội thảo Quốc gia về CNTT Việt Nam ngày 26 tháng 11 năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu “Chúng ta tập trung xây dựng cho 10 – 15 công ty Việt Nam lớn nhất, thậm chí là tuyên truyền cho họ trên thị trường quốc tế. Có thể, doanh nghiệp trong nước mới có thể đi ra quốc tế thành công”, tức là phải xây dựng cơ chế thương hiệu cho các công ty lớn. Lời phát biểu này, làm cho người viết bài này rất lo lắng, vì nếu điều đó là ý chí chính trị và trở thành chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì ngành ICT Việt Nam sẽ không biết đi về đâu?.

Câu truyện của phim “Trăng non” cho chúng ta thấy sai lầm trong nhận thức về vấn đề này, tức là những sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế thì trước tiên nó phải là những sản phẩm có tính phổ biến và có thương hiệu tại quốc gia sở tại. Như vậy chúng ta phải tìm kiếm 10 – 15 sản phẩm tốt, có tính phổ biến cao trong nước, được nhiều người tiêu dùng sử dụng (công ty và cá nhân). Những sản phẩm này, thông qua một chương trình hành động của Đảng, Chính phủ như chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”, cũng như yêu cầu các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước hoặc có vốn nhà nước chí phối phải sử dụng sản phẩm đó và hỗ trợ truyền thông ra quốc tế cho sản phẩm thông qua các cơ quan của chính phủ; ví dụ một số sản phẩm như phần mềm BKAV, Fast vv.. chứ không phải là hỗ trợ các các công ty ICT lớn nhất.

Thử khảo sát 500 công ty thịnh vượng nhất Việt Nam năm 2009 thông qua bảng xếp hạng VNR500 của Vietnamreport (www.vnr500.com.vn) trong ngành ICT cho chúng ta thấy không một doanh nghiệp nào có sản phẩm có khả năng cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa nếu không phải là độc quyền.

Khảo sát kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đầu đàn trong ngành công nghệ là FPT 9 tháng đầu năm 2009 thì doanh số thu từ lĩnh vực gia công phần mền chiếm tỷ lệ rất nhỏ đóng góp vào tăng trưởng của tập đoàn FPT nhưng Fsoft có thể là đơn vị tự hào nhất của Tập đoàn này vì được xem là chứa hàm lượng tri thức cao nhất. Các công ty như Vinagame, VTC… thì doanh số thu về phần lớn là game nhập khẩu chứ không phải là sản xuất ra game để kinh doanh.

Ngành công nghiệp phần mềm của chúng ta có thể rơi vào cái bẫy mà những người trong ngành có thể “tự sướng” khi được các tập đoàn quốc tế thiết kế sẵn cho chúng ta bằng việc xếp hạng là địa điểm gia công phần mềm lý tưởng của toàn cầu trong tương lai.

Nhưng dưới ánh sáng của tri thức thì những công ty gia công phầm mềm của ta không khác gì các công ty may của Việt Nam hiện nay đang làm gia công cho các hãng thời trang danh tiếng và phân phối trên thế giới. Tức là các công nhân tại nhà máy May 10 làm việc bằng chân thì các nhân viên làm việc tại Fsoft hay các công ty gia công phần mềm khác trên lãnh thổ Việt Nam là người làm việc bằng tay, và nhận được đồng công lao động còi cọc còn lợi nhuận lớn thuộc về những người thiết kế và sáng tạo ra nó là các tập đoàn trên thế giới.

Kể từ khi máy tính vào Việt Nam chúng ta, khi nhắc đến phần mềm kế toán chúng ta nhớ đến phần mềm Fast, diệt virus nhớ đến BKAV vv… nhưng nhắc đến CMC hay FPT vv.. luôn được tự hào là công ty hàng đầu về CNTT người ta nhớ đến gì? Nhớ đến nỗi buồn của trí tuệ Việt. Nhưng những người tự hào trong ngành công nghệ của chúng ta có thể tìm ra lý do thuyết phục để giải thích sự yếu kém của mình là chúng ta đi sau thế giới vì những công ty công nghệ của chúng ta chỉ có lịch sử 20 năm vv và vv… Nhưng chúng ta cũng đã biết một sự thật là có những công ty trên thế giới ra đời chỉ bằng nửa số thời gian ấy như Google là nỗi khiếp sợ của rất nhiều đại gia trong ngành công nghệ thế giới, với sự sáng tạo công nghệ sản phẩm và dịch vụ gắn với từ khóa là tìm kiếm. Tức là nói tới tìm kiếm người ta nhớ tới Google và nói tới Google người ta nhớ tới tìm kiếm.

Việt Nam có thể giàu mạnh chỉ khi các công ty của chúng ta tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có hàng lượng tri thức cao như sản phẩm Google, film “Trăng non” vv.. và điều này chỉ có thể đạt được khi nhà nước có những hành động mạnh mẽ trong việc bảo hộ bản quyền, khi đó tự khắc giá trị của tri thức Việt Nam kết tinh trong sản phẩm và dịch vụ sẽ tỏa sáng các trong ngành công nghệ của thế giới.

 .


Tìm kiếm

Bài viết trong tháng